slider

THÔNG TIN THÊM VỀ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG TÁM QUA NHỮNG TÀI LIỆU MỚI PHÁT HIỆN TRONG LƯU TRỮ CỦA PHÁP

31 Tháng 08 Năm 2011 / 2912 lượt xem
Ths. Cù Thị Minh - Phòng Tuyên truyền – Giáo dục
 
Sau 30 năm trăn trở trên đường “ đi tìm hình của nước”, cuối tháng 1 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc và chọn Pắc Bó – Cao Bằng làm đại bản doanh chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Tại đây, sau hơn 3 tháng chuẩn bị, Người đã triệu tập và trực tiếp chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ Tám- một sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với ngọn cờ của Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh.
Liên quan đến nội dung hội nghị Trung ương lần thứ Tám của Ban Chấp hành Trung ương (5/1941), chúng ta được biết qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau, và phần lớn đều đã được giới thiệu chính xác và hệ thống trong các sách có tính “ cẩm nang” như: Văn kiện Đảng, Hồ Chí Minh toàn tập, hồi ký của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng (Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...), và hệ thống hàng loạt các đề tài nghiên cứu, bài viết và thông tin của những người quan tâm đến nội dung này công bố...Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu ở một số trung tâm lưu trữ của Việt Nam và Pháp chúng tôi đã may mắn tìm thấy một số tư liệu có những thông tin mới và khá chi tiết về Hội nghị nói trên với ý định muốn giới thiệu một vài nét thu nhận được sau quá trình khảo cứu và đối chiếu bước đầu của chúng tôi: 
Tài liệu thứ nhất: Đó là văn bản có ký hiệu 11406-S ngày 30 tháng 5 năm 1941 của cảnh sát trưởng ở Bắc Kỳ P.PUJOL gửi tới Thống sứ Bắc Kỳ, Tổng Nha cảnh sát, đồng thời gửi tới Tổng Kiểm sát trưởng toà phúc thẩm Hà Nội và các cảnh sát trưởng ở An Nam (Huế), ở Nam Kỳ (Sài Gòn), ở Campuchia (PhnômPênh), ở Lào (ViênChăn). Văn bản gốc hiện đang được lưu tại cặp tài liệu ký hiệu: S.P.C.E 368 của trung tâm lưu trữ Quốc gia Pháp đặt tại thành phố Eix-en Provence. Nội dung chi tiết là: Thông báo về : “Lệnh bắt ba thành viên “ uỷ viên Thường vụ Trung ương” của Đảng Cộng sản Đông Dương”với toàn bộ nội dung như sau:
“Trong đêm ngày 29 (tháng 5.1941), khoảng 19 giờ, tại ven hồ Trúc Bạch, cảnh sát Hà Nội đã bắt được Nguyễn Thành Diên(1), tức Thanh Hải, xứ uỷ viên của xứ uỷ Bắc Kỳ thành viên dự khuyết của “uỷ viên thường vụ Trung ương” của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nguyễn Thành Diên đã khai báo 2 thành viên của uỷ viên thường vụ trung ương của Trung Kỳ ( An Nam) là Hồ Xuân Lưu và Bùi San. Theo lời khai: Cả ba đã cùng đến Hà Nội vào ngày 26 và sau đó Hồ Xuân Lưu và Bùi San đã rời Hà Nội ngày 29, vào khoảng 14h hôm đó đã bị cảnh sát Trung Kỳ bắt tại ga Cầu Guột (cách Vinh khoảng 30km), nơi họ sẽ xuống tàu trước khi vào Vinh. Cảnh sát ở Vinh thông báo đã bắt được hai người này(2) . 
 Như vậy, với văn bản này, nội dung đáng chú ý nhất cần khẳng định rằng, chỉ sau 10 ngày kết thúc hội nghị, người Pháp đã biết chi tiết những nội dung chủ yếu được bàn luận, số lượng chính xác các thành viên tham dự hội nghị. Điều đó giúp chúng ta lý giải được nguyên nhân chính dẫn đến những tổn thất to lớn của Đảng ta lúc đó không có gì khác chính là sự phản bội và khai báo của Nguyễn Thành Diên - ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ: chỉ sau một thời gian rất ngắn gần 2/3 số đại biểu tham dự hội nghị này đã bị chính quyền Pháp ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ bắt giam, trong số đó có người còn bị đón lõng, phục địch phục kích bắn chết, số còn lại đã bị bắt và kết án tù nhiều năm.
Tài liệu thứ hai: Công văn số 11914- S ngày 6 tháng 6 năm 1941 của cảnh sát trưởng Bắc Kỳ P.PUJOL gửi tới Thống sứ Bắc Kỳ, Tổng Nha cảnh sát, đồng thời gửi tới Tổng Kiểm sát trưởng toà phúc thẩm Hà Nội và các cảnh sát trưởng ở An Nam (Huế), ở Nam Kỳ (Sài Gòn), ở Căm pu chia (Ph nôm Pênh), ở Lào (Viên Chăn) có tiêu đề: “Hội nghị cấp cao của Đảng cộng sản Đông Dương”,
Nội dung văn bản ghi: “ Khi bắt Nguyễn Thành Diên đã không thu được bất kỳ một tài liệu nào. Trên người anh ta chỉ có 80 đồng và tấm thẻ cấp năm 1940 mang tên Phan Văn Phú, 36 tuổi, làng Tiêu Động, huyện Bình Lục (Hà Nam). Nguyễn Thành Diên cho biết: Anh ta trở về với Hồ Xuân Lưu và Bùi San từ “ Hội nghị cấp cao của uỷ Ban Trung ương”. Hội nghị này đã diễn ra vào ngày mùng 4 hoặc mùng 5 tháng 5, ở biên giới Việt – Trung, phía bắc Sóc Giang (Cao Bằng) và diễn ra trong 8 ngày. Chi tiết các thành viên tham dự Hội nghị theo lời khai của Nguyễn Thành Diên được mô tả bằng các chi tiết sau đây:
1.         NGUYỄN ÁI QUỐC tức THU SƠN , uỷ viên Quốc tế Cộng sản ở Tĩnh Tây đã về nước từ 3 đến 4 tháng. Nhận dạng: có ria mép và chòm râu thưa.
2.         HẠ BÁ CANG, uỷ viên Thường vụ Trung ương.
3.         ĐẶNG XUÂN KHU, uỷ viên Thường vụ Trung ương
4.         LÝ, tức TÂN, tức VĂN, đến từ Lạng Sơn, cao, gầy, tóc hất đằng sau, uỷ viên Thường trực Trung ương (3).
5.         TUYẾT, đến từ An Nam, tên thật là BÙI SANG(4).
6.         MAI, đến từ An Nam, tên thật là HỒ XUÂN LƯU.
7.         LÝ, tức MA HỮU GIÁC, đến từ An Nam, hoạt động ở nước ngoài, cựu thiếu sinh quân của Hoàng Phố( Wampoa) , khoảng 30 tuổi, uỷ viên Thường trực trung ương Đảng năm 1935 và chạy trốn khỏi Nam Kỳ. Nhận dạng: tầm vóc trung bình, cằm nhọn, trán cao, tóc hất đằng sau, tóc nhuộm màu sáng, mắt sâu; bên vai phải có một vết sẹo để lại trong trận đánh bên Trung Quốc.(5)
8.         HẢI, người An Nam, lái xe ở Yunnan , uỷ viên dự khuyết của Uỷ Ban Trung ương. Nhận dạng: dáng người nhỏ bé, lông mày rất rậm, khuôn mặt vuông, ngón tay trỏ bên phải bị đứt.
9.         NGUYỄN THÀNH DIÊN, tức THANH HẢI, uỷ viên dự khuyết.
      Những nội dung đã được thông qua Hội nghị trung ương Đảng:
10.     Chuyển cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng giải phóng dân tộc để phát huy được tinh thần dân tộc của nhân dân.
11.     Thay thế “Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương” bằng “Việt Nam độc lập đồng minh”, để tập hợp các lực lượng cách mạng.
12.     Sửa đổi các tổ chức quần chúng và xoá bỏ các tổ chức công đoàn của công nhân, các hội thanh niên phản đế để thành lập ra “Uỷ ban cứu quốc”.
13.    Tăng cường tuyên truyền trong quân đội và công nhân làm cho phong trào phát triển, đảng cộng sản tin tưởng vào nông dân.
14.    Vấn đề tuyên truyền bằng văn bản, giảm các văn bản đơn thuần chỉ tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, thay thế vào đó bằng những tờ truyền đơn kêu gọi tinh thần dân tộc của nhân dân để hướng mọi người đến việc cứu nước. Làm cho người dân tin tưởng vào Nguyễn Ái Quốc bằng các rải truyền đơn về Nguyễn Ái Quốc ở cả 3 kỳ.
15.    Các nhóm vũ trang tập hợp ở ngay trong quần chúng phát truyền đơn nhằm chỉ ra cho họ biết rằng Đảng tồn tại và đang hoạt động rất mạnh mẽ. Trong khi hoạt động, các nhóm vũ trang gặp căn cứ nào lỏng lẻo thì sẽ đánh chiếm cho đến khi có quân tiếp viện của chính phủ.”(6)
Như vậy, nội dung tài liệu đã bổ sung cho một số thông tin đã được khẳng định trước đây:
Hội nghị tiến hành từ ngày 10 đến 19 tháng 5.1941 tại khu rừng Khuổi Nậm, Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng). Hội nghị triệu tập 15 đồng chí nhưng chỉ có 9 đại biểu kịp đến và tham dự Hội nghị là: Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh , Hoàng Quốc Việt , Hoàng Văn Thụ, Bùi San, Hồ Xuân Lưu, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Nguyễn Thành Diên. Hai đại biểu Nam Kỳ không tới họp được vì bị địch khủng bố gắt gao sau khởi nghĩa Nam kỳ; Đồng chí Trần Đăng Ninh trên đường đến hội nghị bị ốm nặng nên phải quay trở lại; còn một người nữa có tên gọi là Công là đại biểu trên đường đi, phát hiện thấy có dấu hiệu khả nghi nên đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt bàn với nhau không nên để Công tham dự hội nghị. Quả nhiên, sau này ta đã phát hiện Công chính là tay sai của mật thám Pháp chui vào hàng ngũ của ta để phá hoại. 
Trong những ngày họp, các đại biểu tham dự đã họp bàn phân tích kỹ tình hình thế giới và nhất là những biến chuyển mới của cách mạng Việt Nam từ sau ra đại chiến thế giới lần thứ II bùng nổ (tháng 9/1939) và nhất là những biến động của cách mạng Đông Dương sau khi phát xít Nhật đổ bộ vào chiếm Đông Dương (1940) từ đó xác định kẻ thù chủ yếu của dân tộc ta lúc đó là thực dân phát xít Pháp Nhật và đề ra nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Khẩu hiệu đấu tranh trong thời gian này cũng có một số thay đổi cho thích hợp với tình thế mới: tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất thay thế bằng khẩu hiệu giảm tô, giảm thuế, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng. Hình thức tập hợp lực lượng được mở rộng bằng việc quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) gồm các tổ chức quần chúng với đủ các thành phần lấy tên là Hội Cứu quốc...Hình thức đấu tranh chuẩn bị sẵn sàng nếu có điều kiện thuận lợi thì đi từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa và nhấn mạnh: chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Kết thúc Hội nghị, khi rời Pác Bó trở về, các đại biểu chia làm 3 nhóm.Trong đó có một nhóm gồm Hồ Xuân Lưu, Bùi San và Nguyễn Thành Diên đi theo đường từ Cao Bằng qua Lạng Sơn rồi về thẳng Hà Nội. Sau đó, các đại biểu Trung Kỳ sẽ đi tiếp tàu về miền Trung. Khi nhóm này tới ga Hà Nội, Nguyễn Thành Diên bị mật thám Pháp bắt. Vì không chịu được những đòn tra khảo của địch, Nguyễn Thành Diên đã khai báo.
Từ nội dung 2 tài liệu trên chung ta khẳng định chỉ sau 10 ngày Hội nghị kết thúc, do sự phản bội của Nguyễn Thành Diên, thông tin Hội nghị Trung ương 8 đã rơi vào tay mật thám Pháp. Trên cơ sở lời khai của Nguyễn Thành Diên, một kế hoạch càn quét, vây ráp vùng Bắc Sơn được phía Pháp vạch ra và triển khai với hai mục đích:
Một là chặn đường về của đoàn đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8 và bắt toàn bộ cơ quan đầu não của Đảng;
Hai là tiêu diệt lực lượng Cứu quốc quân và phá cơ sở cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai.
 Để thực hiện kế hoạch, thực dân Pháp huy động một lực lượng đáng kể gồm những tên lính thực dân và những tên mật thám gian ác khét tiếng vào cuộc. Trận càn quét kéo dài từ ngày 4 đến 23 tháng 7.1941. Qua vây ráp, chúng giết người, cướp của, khủng bố phong trào cách mạng, gây hoang mang cho quần chúng, làm cho nhiều cơ sở đảng vị vỡ. Hàng trăm cán bộ đảng viên bị chúng giết và bắt giam trong các trại Nam Nhi, Bình Gia và nhà lao Lạng Sơn.
Đối chiếu với Hồi ký của các đại biểu tham dự Hội nghị trung ương 8 cho thấy: mặc dù đã có tầm nhìn chính xác về những khả năng có thể xảy ra với các đại biểu nói riêng và phong trào cách mạng nói chung, đã dùng nhiều biện pháp và hết sức cẩn trọng giữ bí mật của nghị quyết, bảo đảm an toàn cho cán bộ song Đảng ta đã gặp những khó khăn to lớn khi kẻ thù biết được những thông tin bảo mật này. Cụ thể đồng chí Trường Chinh trong hồi tưởng của mình đã kể ngày 15.7.1987 “Hôm họp xong, khi ra về, Bác Hồ tiễn anh em trong không khí thân tình, vui vẻ. Bác dặn mọi người phải đoàn kết, làm việc tập thể, cá nhân phụ trách. Bác bảo mọi người: “Để mình khám xem các chú có sơ ý mang mảnh giấy bí mật nào theo hay không và mình sẽ bày cho cách”. Mọi người đều nói: “Vâng mời Bác xem”. Bác thò tay vào túi từng người. Bác tiếp: “Giữ gìn cho nhau là tốt. Có sơ suất gì, thì một người cũng ảnh hưởng tới công việc chung”(7).
Song cũng cần khẳng định một lần nữa trong thực tế, dù Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã bị lộ thông tinrất sớm, thực dân Pháp đã khủng bố khắp nơi nhưng đường lối của Nghị quyết của hội nghị vấn được quán triệt và thống nhất thực thi thông qua các tổ chức cơ sở Đảng và các đoàn thể quần chúng trong các tổ chức Hội Cứu quốc để từ đó phong trào cách mạng trong cả nước được dấy lên, lực lượng cách mạng được xây dựng và phát triển mạnh mẽ và đã thực hiện thành công cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945. Đây là thắng lợi khẳng định trong thực tế sự chuyển hướng chiến lược đúng đắn, kịp thời. Những nội dung của nghị quyết là sự hoàn chỉnh ở đỉnh cao các tư tưởng chỉ đạo của Đảng được đề ra từ các Hội nghị Trung ương 6 và 7, là sự tiếp nối, khẳng định đường lối thống nhất của Đảng trong chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ cách mạng nhất là thời kỳ từ năm 1939 đến năm 1945. Như vậy, lý luận chiến lược về một cuộc khởi nghĩa vũ trang bằng bạo lực cách mạng của toàn dân giành chính quyền đã được đề ra và hoàn chỉnh trong nội dung nghị quyết hội nghị trung ương 8 không chỉ là là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình vận động cách mạng dẫn đến thành công vào tháng 8/1945 mà còn là sựu khẳng định trong thực tế tầm vóc và bản lĩnh Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh trong những thời khắc quyết định của lịch sử dân tộc.
Cũng từ 2 tài liệu này chúng ta có thể bước đầu xác định tên gọi “Thu Sơn” là bí danh được Nguyễn Ái Quốc sử dụng ngay từ những ngày đầu về nước, là tên chính thức của Người tại Hội nghị Trung ương 8.
Từ các thông tin của hai tài liệu nói trên, chúng ta giải mã được một số vấn đề và bổ sung thêm một số thông tin về hội nghị trung ương lần thứ 8, trong đó có việc lý giải nguyên nhân và thời điềm bị lộ của hội nghị, xác định thời gian cụ thể bí danh Thu Sơn được Nguyễn Ái Quốc sử dụng...
Tổng hợp lại từ các nguồn thông tin chính thống đã được công bố và xuất bản, đối chiếu với khối tài liệu của địch, lại một lần nữa chúng ta khẳng định và hiểu rõ hơn nữa tầm nhìn xa, cách nhìn rộng, và bản lĩnh tổ chức, điều hành phong trào cách mạng của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh thực sự đã trở thành một trong những điều kiện cơ bản nhất để cách mạng Việt Nam dành được những thắng lợi vẻ vang. Thực tế này cũng đặt ra những yêu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa việc sưu tầm, nghiên cứu, công bố các tài liệu về hội nghị trung ương lần thứ 8 ( 5/1941) nói riêng, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung là rất cần thiết và cần phải được tiến hành thường xuyên và bài bản theo những nguyên tắc và quy định khoa học.  


(1) Nguyễn Thành Diên là một trong số đại biểu dự Hội nghị TƯ lần thứ 8
(2) Bản dịch của Cù Thị Minh
(3) Đối chiếu cho thấy rất có thể đây là đồng chí Hoàng Văn Thụ
(4) Bùi San
(5) Đối chiếu cho thấy rất có thể đây là đồng chí Phùng Chí Kiên 
(6) Bản dịch của Cù Thị Minh
(7) Tổng Bí thư Trường Chinh, Nxb Chính trị Quốc Gia, H.2007, tr.138

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)