slider

TRAO ĐỔI MỘT VÀI NỘI DUNG THUYẾT MINH THEO CHUYÊN ĐỀ: “BÁC HỒ VỚI THANH NIÊN VIỆT NAM THÔNG QUA CÁC TÀI LIỆU, HIỆN VẬT TẠI KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH (Giai đoạn 1954-1969)”

24 Tháng 01 Năm 2013 / 4979 lượt xem
ThS. Trần Thị Thắm
Phòng TT- GD
Khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ đã để lại cho đất nước, cho dân tộc một di sản vô giá. Đó là nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Mỗi hoạt động, việc làm, hay những lời Bác căn dặn trong những tài liệu để lại đều có giá trị thiết thực đối với mỗi người chúng ta ở từng lĩnh vực cụ thể, từng đối tượng cụ thể. Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định nơi đây là “Trường học lớn về đạo lý làm người mà Bác Hồ đã để lại cho chúng ta”1; nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói đây là “Trường học khoa học xã hội và nhân văn giáo dục tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Hồ cho mọi thế hệ người Việt Nam”2. Với ý nghĩa, giá trị đặc biệt như vậy, nên dù đã qua 43 năm ngày Bác Hồ đi xa nhưng hàng ngày dòng người không dứt vẫn đổ về Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác, thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Tính từ thời gian Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch mở cửa đón khách thăm quan cho đến nay đã có tới hơn 62 triệu lượt người vào thăm di tích với đầy đủ các tầng lớp, thành phần trong xã hội như: công nhân, nông dân, trí thức, quân đội, học sinh, sinh viên…
Đặc biệt, thời gian gần đây, khi Bộ Giáo dục đào tạo và Ban Tuyên giáo Trung ương đã chính thức đưa môn học tư tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong các trường Đại học và Cao Đẳng... cùng với việc hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị, số lượng đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo của Người tại Khu di tích ngày càng nhiều. Hơn nữa, theo kết quả của điều tra xã hội do Khu di tích tiến hành những năm gần đây, trong số những người được hỏi thì có tới 82,5% có nhu cầu được quay trở lại thăm di tích này.
Để Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thực sự trở thành thành một trường học thực tiễn sinh động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng, trong việc giáo dục cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về tư tưởng, cuộc đời sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của lãnh tụ Hồ Chí Minh thông qua những hoạt động tuyên truyền tại Khu Di tích. Nhằm đáp ứng tốt hơn, hiệu quả hơn công tác tuyên truyền giới thiệu tại Khu di tích với nội dung chuyên sâu vận dụng cho từng đối tượng khách tới tham quan nơi đây, phòng Tuyên truyền – Giáo dục đang từng bước hoàn thiện việc thuyết minh theo đối tượng khách tham quan tại khu di tích.
Với những yêu cầu trên trong khuôn khổ bài viết này tôi xin được trình bày một số nội dung cơ bản trong bài thuyết minh theo chuyên đề: Bác Hồ với thanh niên Việt Nam thông qua các tài liệu, hiện vật, các sự kiện lịch sử diễn ra trong giai đoạn từ năm 1954-1969:
Bước chân vào nơi mà Bác Hồ đã sống và làm việc 15 năm cuối trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi của Người (từ tháng 12/1954 đến tháng 9/1969) dường như mỗi chúng ta đều trào dâng một cảm xúc thiêng liêng khó tả - cảm xúc của những người con đi xa nay trở về thăm người cha già mà mình hằng kính yêu, thương nhớ. Mỗi ngôi nhà, mỗi hàng cây, mỗi con đường cùng tất cả tài liệu hiện vật của Người hiện đang được lưu giữ tại đây đều như gợi lại hình ảnh người cha thân yêu, hiền từ cũng những lời chỉ bảo, dặn dò nhẹ nhàng, giản dị mà đầy ý nghĩa.
Phủ Chủ tịch là điểm di tích đầu tiên trong hành trình tham quan của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Có thể khẳng định rằng những quyết định quan trọng nhất của Đảng và Chính phủ lúc bấy giờ được đưa ra tại các phiên họp quan trọng mang ý nghĩa lịch sử diễn ra chính tại di tích này. Phủ Chủ tịch còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đón tiếp, hội đàm với các nguyên thủ quốc gia, đại sứ các nước đến trình quốc thư…Cũng chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp và gặp mặt nhiều đại biểu thuộc các đoàn thể, các ngành, các giới…Với thanh niên, Người đã từng đón tiếp rất nhiều đại biểu thanh niên ưu tú như: Đoàn Đại biểu thanh niên mới được bầu vào Quốc hội khóa III, đoàn sinh viên trường Sư phạm các Dân tộc Miền núi, đoàn chiến sĩ lái máy bay chiến đấu xuất sắc của không quân Việt Nam…Người thường dành cho họ những tình cảm đặc biệt như tình cảm của cha đối với con, ông đối với cháu. Người đồng thời gửi gắm một niềm tin vững chắc vào khả năng cách mạng to lớn của thế hệ thanh niên Việt Nam, Người khẳng định: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên(Thư gửi thanh niên nhân Hội nghị thanh niên Việt Nam ngày 17/8/1947).
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, vừa mới trở về thủ đô Hà Nội, mặc dù là Chủ tịch nước nhưng Bác đã từ chối không ở dinh thự của Toàn quyền Đông dương lộng lẫy uy nghi, Bác chỉ ở một ngôi nhà nhỏ vốn là nhà ở của một người thợ điện phục vụ dưới thời Toàn quyền Đông Dương, sau đó Bác chuyển sang sống và làm việc ở ngôi nhà Sàn gỗ đến cuối đời. Ngày đêm Người chăm lo bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên, giáo dục ý thức làm chủ và đào tạo họ thành người làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với quan điểm "đạo đức là gốc của người cách mạng", Bác Hồ quan tâm giáo dục thanh niên không chỉ có tinh thần làm chủ nước nhà mà phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư. Trong cuộc sống, Bác căn dặn thanh niên biết yêu thương gia đình, kính trọng ông bà, cha mẹ, người cao tuổi, nâng đỡ, dìu dắt thiếu nhi, quý trọng và hiếu thảo với nhân dân. “Trung với nước, hiếu với dân” là nội dung đạo đức mới Bác khuyên nhủ thanh niên cần thực hiện.
Tại ngôi nhà 54, nơi Bác sống và làm việc trong 4 năm đầu khi chuyển về Phủ Chủ tịch, Người đã viết tác phẩm: Đạo đức cách mạng. Người cho rằng: “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”. Do đó, thanh niên phải ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng. Tin tưởng ở thanh niên nhưng Bác cũng đòi hỏi nhiều ở thanh niên, đặt ra cho thanh niên những yêu cầu cao. Tại buổi lễ khai mạc trường Đại học nhân dân Việt Nam (ngày 19/1/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những vấn đề rất cụ thể với thanh niên: “Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà. Mình phải làm thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”. Câu nói của Bác đã trở thành lời của một trong những ca khúc dành cho thanh niên: hào hùng, khí thế có sức sống mãnh liệt để thanh niên thực hiện những ý nguyện của Người.
Đánh giá đúng đắn khả năng cách mạng to lớn của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên thành đội quân xung kích của cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc. Năm 1956, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đoàn được triệu tập từ 25/10 - 4/11/1956 tại Hà Nội, Người đã ân cần căn dặn đoàn viên, học sinh, sinh viên là: Muốn đoàn kết củng cố và phát triển thì tất cả đoàn viên phải làm gương mẫu: Phải giữ vững đạo đức cách mạng; Phải xung phong trong mọi công tác; Phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt; Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh, khoẻ mạnh thì mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước, dân". Sự quan tâm chăm sóc và những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc của Bác Hồ kính yêu đã làm các đại biểu hết sức xúc động và thấm thía. Đại hội đã hứa với Bác sẽ ra sức thực hiện tốt những lời Bác dạy, quyết phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng độc lập, tự do, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Bác đã chỉ cho thanh niên nước ta.
Cùng với việc tu dưỡng rèn luyện chí khí cách mạng, đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến nội dung giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự cho thanh niên. Người coi đây là điều kiện quan trọng để thanh niên cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III được tổ chức từ ngày 23/3 đến 25/3/1961 ở Hà Nội, Người ân cần chỉ ra cho toàn thể cán bộ, đoàn viên và thanh niên: "... phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu: "Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó có thanh niên làm". Người nhấn mạnh: "Thanh niên phải cố gắng học... Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác- Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày... Học đi đôi với hành".
Đồng thời với việc nâng cao trình độ chính trị, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo đến việc xây dựng đội ngũ thanh niên trí thức mới, đủ năng lực đảm đương và gánh vác những nhiệm vụ mới của đất nước,“…chẳng những thành thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn”. Người nhấn mạnh: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng no ấm vui tươi”. Với phương châm đó, từ năm 1954 cho đến năm 1969, hàng ngàn thanh niên Việt Nam đã được lựa chọn và gửi đi đào tạo ở các nước bạn. Chiếc đài đặt ở phòng ăn nhà 54 của Bác là quà tặng của thực tập sinh về rađio và vô tuyến điện truyền hình khóa 1967-1969 tại Hungari lắp tặng Người nhân dịp sinh nhật lần thứ 79, báo cáo lên Bác thành quả học tập của mình, cũng là minh chứng cụ thể cho lòng mong muốn của Người.
Tin tưởng vào bản chất và sức mạnh của thanh niên nhưng phải giáo dục, đào tạo họ trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng là chiến lược trong sự nghiệp trồng người của Bác.Nơi ở và làm việc của Bác ở Phủ Chủ tịch, có một con đ­ường đã trở thành hình ảnh đẹp trong thơ ca: “Anh dắt em vào cõi Bác xư­a - Đ­ường xoài hoa trắng nắng đu đưa”. Đường xoài đã ghi lại nhiều kỉ niệm cảm động của Bác Hồ với đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nhưng cũng ít ai biết rằng, nó cũng đã chứa đựng những suy nghĩ sâu xa về sự nghiệp trồng người mà Bác đã viết trong bản Di chúc lịch sử: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ kể lại: Một lần, hai Bác cháu cùng đi dạo trong khu vườn của Bác. Hai Bác cháu thong thả đi giữa con đường xoài quen thuộc. Nhìn những thân cây muỗm cổ thụ, xù xì với vẻ phong sương, có gốc cây hai người ôm không xuể, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ có biết những cây muỗm này trồng từ bao giờ không? có biết giống cây này từ khi trồng đến khi cỗi, chừng bao nhiêu năm không? Đồng chí Vũ Kỳ thưa với Bác rằng, nhà “Toàn quyền” có ghi làm từ năm 1900 đến 1906 thì có lẽ những hàng muỗm này cũng được trồng từ dạo ấy… Nghe vậy, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ: “-Chú chịu khó cho tìm giống xoài miền Nam, trồng xen vào giữa những hàng Muỗm già này, để nó kịp lớn lên, thay thế nhé!”.Đồng chí Vũ Kỳ nói: “Mãi sau này tôi mới nghĩ ra, đây không phải chỉ là câu chuyện trồng cây, mà còn là câu chuyện trồng người của Bác. Bác luôn nhắc nhở chúng ta về sự nối tiếp của các thế hệ!”
Do hiểu rõ thanh niên nên trong từng giai đoạn lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tạo cho họ có cơ hội để phát huy sức mạnh của mình, trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước tại ngôi nhà sàn bé nhỏ nhưng ngày đêm Bác luôn theo dõi theo sự phát triển của phong trào "Ba sẵn sàng" - một trong những phong trào được phát động rộng khắp trong thanh niên, Người kêu gọi thanh niên, học sinh, sinh viên: "Các cháu thanh niên, gái cũng như trai, hãy thực hiện tốt "Ba sẵn sàng", xung phong dâng tất cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, cho Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội". Khi tuổi trẻ lập được chiến công, Bác khen ngợi: "Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên trong cả nước... các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng. Bác mong các cháu đều xứng đáng là những anh hùng trong sự nghiệp cách mạng tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc và xây dựng xã hội mới".
Cùng với những yêu cầu của Người về tinh thần rèn luyện, tu dưỡng của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chú ý khơi dậy phần tốt trong mỗi thanh niên, nêu lên những tấm gương tốt diễn ra hàng ngày cho mọi thanh niên khác noi theo. Người đã cho xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt” trong đó có cuốn: “Thế hệ anh hùng” những gương sáng được nêu trong loại sách này đó là những tấm gương của thanh niên với những phẩm chất yêu nước kiên nghị, tinh thần công dân dũng cảm, thái độ sống trung thực, đức tính giản dị... các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua làm việc tốt đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu của Người. Từ năm 1958 - 1969 Người đã thưởng rất nhiều huy hiệu cho các thanh niên tiêu biểu có thành tích trong sản xuất, công tác, học tập những hành động dũng cảm trong chiến đấu... Tiêu biểu như người thanh niên lái máy bay Nguyễn Văn Cốc đã được Bác thưởng đến chiếc huy hiệu thứ 9 với lời mong muốn: “Bác mong có nhiều Cốc hơn nữa”.
Ngày Quốc khánh 2/9 năm 1969 là ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tuổi trẻ cả nước chịu một tổn thất lớn lao, không thể bù đắp: Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam qua đời. Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ đã để lại cho thanh niên Việt Nam "muôn vàn tình thân yêu". Người đánh giá: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ" và căn dặn: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết".
Những hình ảnh thân thương cùng những tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Bác với thanh niên vẫn khắc sâu trong tâm trí của mỗi đoàn viên thanh niên. Về với Bác hôm nay tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, chúng ta càng tự hào về lịch sử đấu tranh và phát triển của thế hệ đoàn viên thanh niên. Chúng ta phải làm gì để thực hiện những lời dạy bảo của Bác, để xứng đáng với tình cảm, niềm tin yêu trọn vẹn của Người dành cho thế hệ thanh niên./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)