slider

Về hai bài báo có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tai Di tích nhà H.67

28 Tháng 05 Năm 2014 / 2248 lượt xem

Trần Thị Thuấn

Phòng ST- KK-TL

Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di tích nhà H67 hiện đang lưu giữ, trưng bày, phát huy tác dụng một số tài liệu, hiện vật có ý nghĩa về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó có hai bài báo: "Bước đi của ngành khoan Hà Tu" và "Công nhân vùng mỏ Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch quý 3" được cắt dán lên tờ bản tin Việt Nam Thông tấn xã đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và để lại nhiều bút tích.

Nội dung của hai bài báo trên đều đề cập đến tình hình khai thác và sản xuất than của công nhân vùng mỏ Quảng Ninh. Bài báo “Bước đi của Ngành Khoan Hà Tu” của tác giả Hồng Tâm đăng trên trang 3, báo Quảng Ninh ra ngày 26-7-1969. Bài báo đề cập đến việc đưa máy khoan vào khai thác mỏ để nâng cao sản lượng sản xuất than và giảm được sự nặng nhọc cho công nhân. Trên bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bút tích “26-7-1969” bằng bút chì đỏ; chữ “cắt dán” được Người viết bằng bút bi mực đỏ; chữ “Khoan Hà Tu” được Người gạch dưới hai gạch và đánh dấu “/” bằng bút bi mực đỏ.

Bài báo “Công nhân vùng mỏ Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch quý 3” là tin của Việt Nam Thông tấn xã đăng trên báo Nhân dân số ra ngày thứ tư 30-7-1969, có nội dung: Hưởng ứng lời kêu gọi quyết chiến, quyết thắng của Hồ Chủ tịch cán bộ, công nhân vùng mỏ Quảng Ninh đẩy mạnh phong trào thi đua, tiếp tục chấn chỉnh công tác tổ chức, quản lý sản xuất tăng tốc độ bốc đất đá cải tạo mỏ và công tác phòng, chống mưa bão, nhằm quyết tâm hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1969, trước mắt là hoàn thành thắng lợi kế hoạch quý 3. Ngay trên đầu bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết chữ “cắt dán” bằng bút bi mực đỏ. Ngoài ra Người đã đánh dấu và gạch chân bằng bằng bút chì đỏ nhiều đoạn như: “Mỏ than Hà Tu”, “Hơn 3000 tấn than vì miền Nam ruột thịt”; và “… 6 tháng cuối năm tăng hơn mức 6 tháng đầu năm từ 24 đến 26%”  còn ở các đoạn “Số lượng bình quân một ngày của máy xúc và ô tô vận tải trong 6 tháng đầu năm từ 34 đến 52% so với 6 tháng cuối năm 1968” thì Người gạch dưới cụm từ “34 đến 52%”, ở đoạn “Tại mỏ than Đèo Nai, công nhân lái máy xúc, máy khoan, xe vận tải đều xây dựng lại định mức lao động” cụm từ “Mỏ than Đèo Nai” được gạch dưới.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời cả hai bài báo trên đã được thống kê, ghi chép từ ngày 21-12-1970 và được đánh số kiểm kê hiện vật bảo tàng, được nghiên cứu, xác minh, xây dựng hồ sơ khoa học hiện đang được lưu giữ ở kho tư liệu Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Sinh thời, Quảng Ninh là một trong những địa phương được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Quảng Ninh là địa phương có "rừng vàng bể bạc rất là phong phú" (1), nơi tập trung nhiều mỏ khoáng sản, trong đó than và vật liệu xây dựng là những khoáng sản quan trọng nhất, là tiềm lực giúp cho nền kinh tế của đất nước phát triển. Với trữ lượng lớn bậc nhất cả nước, ngành công nghiệp sản xuất than ra đời và nhanh chóng phát triển, thu hút nhiều lao động từ khắp mọi miền của đất nước về làm nghề tại khu mỏ và dần dần đây trở thành nơi tập trung số lượng công nhân cao nhất nước. Đội ngũ công nhân và nhân dân vùng mỏ có bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng rất vẻ vang, cũng vì lẽ đó mà ngành than và nhân dân vùng mỏ Quảng Ninh đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là của Bác Hồ.

 Ngay sau khi hòa bình lập lại, trong bộn bề công việc của những ngày đầu cách mạng thành công, ngày 4-10-1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đi thăm vùng mỏ Hồng Gai, Quảng Ninh. Tại buổi gặp mặt này Người đã ân cần nhắc nhở công nhân vùng mỏ: "Anh em công nhân phải bảo vệ vùng mỏ, nhà máy kho tàng và nâng cao sản xuất. Muốn cải thiện đời sống thì phải khôi phục và phát triển kinh tế. Muốn khôi phục và phát triển kinh tế nhanh thì phải thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm. Muốn thi đua có kết quả tốt thì tiết kiệm và sản xuất phải đi đôi với nhau"(2). Sau lần thăm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều lần về thăm vùng mỏ Quảng Ninh, gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, công nhân vùng mỏ. Ngày 30/3/1959, Bác đến thăm mỏ than Ðèo Nai, thị xã Cẩm Phả, nói chuyện với các cán bộ, công nhân Người căn dặn: "Than vùng mỏ vào loại tốt của thế giới. Cảnh ở vùng mỏ cũng vào loại kỳ quan của loài người. Các chú phải làm than cho tốt!". Bác cũng ân cần nhắc nhở: "Cán bộ có cố gắng, nhưng chưa đầy đủ và còn một số cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, cần phải gần gũi giúp đỡ công nhân sản xuất. Công nhân và cán bộ đoàn kết thành một khối thì việc gì cũng làm được".(3). Đồng thời, Người yêu cầu "công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa." (4). Từ năm 1960 đến năm 1962, năm nào Bác cũng dành thời gian về thăm và động viên công nhân vùng mỏ Quảng Ninh. Ngay tên tỉnh Quảng Ninh sau khi sát nhập cũng chính được Người đặt. Năm 1960, khi Người đến thăm tỉnh Hải Ninh Người đã có ý định sát nhập hai tỉnh Hồng Quảng và Hải Ninh thành một tỉnh. Năm 1963, sau khi tham khảo nhiều ý kiến về việc đặt tên cho tỉnh mới sát nhập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị lấy chữ cuối của tỉnh Hồng Quảng và chữ cuối của tỉnh Hải Ninh đặt thành tên là Quảng Ninh để dễ nhớ lại có nhiều nghĩa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quảng là rộng lớn", "Ninh" là yên vui, bền vững... và Người còn mong muốn "Nước bạn có Quảng Đông, Quảng Tây, ta có Quảng Ninh. Đôi bên cùng nhau xây dựng tình hữu nghị, cùng nhau thi đua xây dựng Chủ nghĩa xã hội được không?" (5). Đặc biệt, năm 1964 trước thất bại nặng nề trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc, Quảng Ninh là một trong những mục tiêu đánh phá đế quốc Mỹ. Trong khi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt thì tết Ất Tỵ 1965, Bác vẫn về thăm Quảng Ninh nhằm khích lệ cán bộ, công nhân vùng mỏ vượt qua khó khăn, gian khổ, ra sức thi đua vừa sản xuất, vừa chiến đấu để bảo vệ thành quả của cách mạng, góp phần đưa miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Đầu năm 1965,  khi nhận được báo cáo thành tích hoàn thành tốt kế hoạch quý I/1965 của mỏ than Đèo Nai, Người đã gửi tặng ngành than Quảng Ninh "Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất" và căn dặn công nhân vùng mỏ tiếp tục phát huy thắng lợi trong sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu. Để động viên khích lệ tinh thần Bác nói: "Năm nay Bác tặng cờ thưởng luân lưu cho cả ngành than, đơn vị nào muốn được lá cờ thì phải thi đua gương mẫu trong mọi việc. Những cán bộ và công nhân nào xuất sắc nhất Bác sẽ tặng giải thưởng riêng" (6).

Những năm sau này, do bận nhiều việc và sức khoẻ lại giảm sút, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có điều kiện trực tiếp về thăm vùng mỏ, nhưng Người vẫn thường xuyên quan tâm theo dõi tình hình sản xuất của ngành than. Ngày 15/11/1968, tại Phủ Chủ tịch, Bác tiếp 30 anh chị em công nhân có nhiều thành tích của ngành Than. Sau khi thăm hỏi sức khoẻ các đại biểu, Người hoan nghênh những kết quả bước đầu của ngành than, nêu bật vị trí quan trọng của than trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chú nghĩa xã hội và chỉ rõ sản lượng than gần đây giảm chủ yếu là công tác quản lý và tổ chức kém. Người căn dặn anh chị em phải thật thà phê bình và tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu đưa mức sản xuất than lên vì sản xuất than cũng như đánh giặc phải có nhiệt tình cách mạng, tinh thần yêu nước với làm chủ xí nghiệp. Người cũng chỉ ra rằng công nhân phải tham gia quản lý, cán bộ phải tham gia lao động, phải chống tham ô lãng phí, đẩy mạnh thi đua yêu nước và chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của công nhân. Cuối buổi tiếp, Người căn dặn phải chú ý tổ chức tốt việc phòng không và luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nắm bắt tình hình sản xuất của công nhân vùng mỏ qua những lần Người trực tiếp về thăm mà Người con theo dõi tình hình sản xuất, đời sống công nhân mỏ nói riêng, người dân Quảng Ninh nói chung qua thông tin báo chí. Theo ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Quảng Ninh cho biết, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh vẫn đang lưu giữ, trưng bày và phát huy tác dụng 4 số báo viết về vùng Mỏ được phát hành trong khoảng thời gian từ 1962-1966 do đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Người chuyển cho. Những bài báo này sinh thời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và để lại bút tích. Trong đó báo Quảng Ninh có một số và báo Thiếu niên Tiền phong có một số. Những bài báo này có nội dung là biểu dương tập thể, cá nhân gương mẫu trong lao động, sản xuất giỏi hoặc phê bình những việc làm chưa tốt, trong sản xuất cũng như sinh hoạt của tập thể hay cá nhân vùng mỏ. Đơn cử như ngày 10/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem báo Quảng Ninh trong chuyên mục “Người mới, việc mới” có đăng tin hai vợ chồng cụ Khiêm (60 tuổi) có nhiều thành tích trong chăn nuôi gia súc, làm phân bón phục vụ cây trồng, Người đã đề nghị thưởng hai cụ “Huy hiệu Bác Hồ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đọc những tờ do báo Quảng Ninh phát hành mà Người còn đọc những tờ do báo nơi khác phát hành và viết về vùng mỏ. Ví dụ: Báo Thiếu niên Tiền phong số 6, ngày 4-9-1964, có bài viết về hành động dũng cảm của em Ngô Quốc Chung ở Hòn Gai, trong lúc máy bay Mỹ đang đánh phá Hòn Gai, ngày 5-8-1964, em đã không quản nguy hiểm chạy sang nhà trẻ số 10, cạnh xí nghiệp Hòn Gai để cùng cô giáo đưa các em nhỏ xuống hầm trú ẩn. Bài báo này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và khoanh tròn bằng mực đỏ vào chữ "Chung" bằng chữ Hán, đồng thời đánh dấu góc báo là "Thưởng một huy hiệu". Bên cạnh những bài mang tính biểu dương, Người còn quan tâm tới những bài báo mang tính phê bình như: Báo Vùng Mỏ số thứ ba, ngày 21-8-1962, ở trang nhất có bài "Vì sao Bến Hòn Gai ngừng trệ sản xuất?". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem và đánh dấu những đoạn trọng tâm: "Đến nay, máy móc hỏng dồn dập hoặc hỏng cùng một lúc thì sửa chữa không kịp nên bế tắc sản xuất... Từ đầu tháng đến nay, trên 3500 tấn than nguyên khai còn bỏ đó vì sàng không hết"; Báo Vùng Mỏ số 5, ngày 23-8-1962, có bài viết "Đoàn xe mỏ Cọc 6 vẫn còn tình trạng làm không hay, nghỉ không biết" và "Nếu cứ tình trạng này kéo dài, hỏi mỏ Đèo Nai làm sao hoàn thành kế hoạch?". Người đã xem và gạch chân ở những đoạn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Theo các nhân chứng lịch sử như đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư kí riêng của Bác Hồ, đồng chí Cù Văn Chước, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Quản trị Văn phòng Phủ Chủ tịch và đồng chí Lê Hữu Lập, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch và thông tin báo chí lúc đó, không chỉ khẳng định Người đã đọc và để lại bút tích mà còn cho thấy Người còn thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình sản xuất than và đời sống của nhân dân vùng Mỏ. Và hai bài báo: "Bước đi của ngành khoan Hà Tu" và "Công nhân vùng mỏ Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch quý 3" là một trong những số đó. Cuối năm 1968, đầu năm 1969 ngành khai thác than của ta do nhiều nguyên nhân đã bị giảm sút trầm trọng, sản lượng khai thác than rất thấp mà lúc này than là mặt hàng chiến lược để xuất khẩu. Để khắc phục tình trạng này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống tận địa phương xem xét và tìm cách tháo gỡ khó khăn. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bác cùng với sự động viên khích lệ kịp thời, cán bộ công nhân ngành than nói chung và khu mỏ Quảng Ninh nói riêng quan tâm phấn đấu thi đua sản xuất nhằm hoàn thành kế hoạch sản lượng để ra bằng các phương pháp như đưa máy móc, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất; đổi mới cách quản lí. Nhờ đó mà ngành than đã hoàn thành thắng lợi.

Với giá trị, ý nghĩa lịch sử trên, hai bài báo: "Bước đi của ngành khoan Hà Tu" và "Công nhân vùng mỏ Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch quý 3"  không chỉ là kỷ vật vô giá, góp phần vào việc nghiên cứu về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn giúp chúng ta hiểu hơn tình cảm, sự quan tâm của Người đối với các ngành, các các địa phương nói chung và nhân dân và công nhân vùng mỏ Quảng Ninh nói riêng. Đáp lại tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu, ngày nay nhân dân và công nhân vùng mỏ Quảng Ninh luôn nhớ lời Bác dạy quyết tâm lao động, sản xuất, đưa ngành Than trở thành lá cờ đầu gương mẫu cho ngành công nghiệp nặng của cả nước, góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./

Chú thích: 

1-    Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t8, tr 517.

2-  Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, T.8, tr.518.

3-  Bác Hồ với công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Quảng Ninh, 1997, tr.35.

4-   Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.9, tr.391.

5-   Báo Quảng Ninh ngày 18-9-2013.

6-   Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.413.

 

 

 

 

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)