slider

Võ Quý Huân - “người kỹ sư nặng tình non nước” theo Bác Hồ về nước phục vụ kháng chiến chống Pháp

15 Tháng 05 Năm 2021 / 1903 lượt xem

ThS. Lê Thị Cẩm Tú

Phòng Hành chính - Tổng hợp

Mùa hè năm 1946, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Pháp nhằm hậu thuẫn cho Hội nghị Fontainebleau mưu cầu nền độc lập, thống nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên, do tư tưởng thực dân của giới cầm quyền Pháp, Hội nghị đã thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Việt Nam chuẩn bị cùng cả dân tộc bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến không thể tránh khỏi. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, 4 trí thức người Việt thành danh ở Pháp gồm: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh đã cùng Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến chống Pháp.

Võ Quý Huân sinh năm 1912 trong một gia đình giáo học huyện Thanh Chương (Nghệ An). Lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, năm 1935-1937, Võ Quý Huân tham gia phong trào Bình dân, làm Chủ nhiệm Báo Đông Dương hoạt động xuất bản song ngữ Việt - Pháp. Đây là một tờ báo tiến bộ đương thời nên bị thực dân Pháp đóng cửa. Để tránh bị mật thám và chính quyền truy bức, gia đình đã thu xếp cho ông trốn sang Pháp, vừa để lánh nạn, vừa để học tập thành tài. Ngày 31/5/1937, Võ Quý Huân đặt chân lên nước Pháp. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng Võ Quý Huân luôn khắc sâu lời cha dặn “Sang bên đó con cố gắng học cho giỏi để khi có cơ hội thì về phục vụ nước nhà”. Ông đã dồn sức học tập và giành được 3 bằng kĩ sư các ngành: cơ điện, đúc và kỹ nghệ chuyên nghiệp. Sau đó, ông làm việc cho hãng tàu thủy Compagnie Translatique (Pháp) và một số nhà máy lớn. Ông cũng là kỹ sư trưởng tại nhà máy nghiên cứu sản xuất động cơ máy bay Hotel'... Thời gian ở Pháp, ông tích cực tham gia các phong trào của Việt kiều hướng về Tổ quốc, tháng 7/1938 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp khi mới 27 tuổi.

Mùa hè năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị chính thức nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp cùng đoàn Chính phủ Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn sang dự Hội nghị Fontainebleau. Võ Quý Huân cùng Ban Trị sự Tổng hội Việt kiều tích cực tổ chức các hoạt động chào mừng và làm hậu thuẫn, ủng hộ cho việc đàm phán của phái đoàn Chính phủ ta; tổ chức quay phim, chụp ảnh hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Phạm Văn Đồng ở Pháp, lưu trữ được nhiều tư liệu quý cho lịch sử cách mạng Việt Nam. Bà con Việt kiều thời ấy kể lại, Võ Quý Huân thoăn thoắt như con thoi. Với máy quay phim trên tay, ông luôn bấm máy chọn những hình ảnh tư liệu quý giá có hình ảnh Hồ Chủ tịch.

Hội nghị Fontainebleau thất bại. Trung tuần tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký kết bản Tạm ước 14/9 với đại diện Chính phủ Pháp, nhằm kéo dài thời gian hoà bình cho Việt Nam, rồi trở về Tổ quốc. Trước lúc rời nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh có gặp gỡ một số Việt kiều yêu nước gần gũi ở Paris. Người ân cần nói “Đất nước chuẩn bị kháng chiến, rất cần những người có học và tâm huyết như các chú. Bác sắp về nước. Các chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Các chú đã sẵn sàng chưa?”(1). Nhiều trí thức trẻ Việt kiều háo hức, thiết tha muốn được theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc, nhưng do điều kiện lúc đó và tính đến yêu cầu của cuộc kháng chiến sắp bùng nổ, Bác chọn một bác sĩ biết tổ chức chăm lo sức khỏe cho dân và 3 kĩ sư có thể khai khoáng, luyện kim, chế tạo vũ khí. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, bốn trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp đã cùng Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến.

Trước nghĩa vụ với Tổ quốc, Võ Quý Huân phải đấu tranh tư tưởng để lựa chọn giữa cuộc sống vật chất đầy đủ, công việc ổn định, một gia đình êm ấm có vợ và con gái mới tròn 2 tuổi ở Pháp với cuộc sống gian khổ, thiếu thốn mọi mặt ở Việt Nam. Trở về Tổ quốc đồng nghĩa với bộn bề lo toan khi sự nghiệp cách mạng của dân tộc còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời có lẽ là từ khi được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris. Võ Quý Huân đến với Bác, biết Bác là chiến sĩ cách mạng, cũng là một người cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh không giấu điều đó. Võ Quý Huân thấy phấn khởi vì đã gặp một con người nhân ái, giản dị, cao đẹp và nhân hậu. Chính uy tín, đức độ, tài năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức lan tỏa và cảm hóa những trí thức hướng về nhân dân và có quyết định quan trọng - trở về Tổ quốc, đem những kiến thức của mình phụng sự cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ cũng băn khoăn trước hoàn cảnh của Võ Quý Huân nên Người nói với ông rằng: “Về cùng với Bác để nghiên cứu một số vấn đề kiến thiết đất nước trong một thời gian mấy tháng rồi trở sang Pháp. Sau đó sẽ quyết định việc về nước hẳn hay tiếp tục công tác ở Pháp”...

Giáo sư Trần Đại Nghĩa, tức kỹ sư Phạm Quang Lễ, đã viết trong hồi ký khi nhớ về người đồng chí của mình “Anh em chúng tôi rất quý mến và cảm phục Võ Quý Huân. Chắc rằng anh đã trải qua những giờ phút đắn đo, cân nhắc khi phải xa vợ trẻ và con thơ, thật không dễ. Và anh đã về tham gia kháng chiến theo tiếng gọi của Tổ quốc. Con tim anh nặng tình non nước”(2).

Hành trình hơn một tháng trở về Tổ quốc trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvinlơ của Hải quân Pháp từ bến cảng Toulon trên bờ biển Địa Trung Hải nước Pháp đến cảng Hải Phòng, là những ngày nhóm trí thức Việt kiều yêu nước được dự một lớp huấn luyện đặc biệt do Bác Hồ trực tiếp giảng dạy. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin họ sẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc “Sớm muộn gì chiến tranh Việt Pháp sẽ không tránh khỏi, chú Trần Đại Nghĩa, chú Võ Quý Huân sẽ tạo được vũ khí đánh giặc, chú Trần Hữu Tước bào chế thuốc men. Đó là yêu cầu khẩn thiết nhất lúc này”(3).

Về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho kỹ sư Võ Quý Huân là Giám đốc Sở Kỹ nghệ khoáng chất Trung Bộ, phụ trách ngành Đúc - Luyện kim, đúc gang, luyện thép sản xuất vũ khí để bộ đội đánh giặc và nông cụ phục vụ nông dân sản xuất cung cấp lương thực cho bộ đội.

Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến, Võ Quý Huân chỉ huy sơ tán 2 nhà máy Xe lửa Tràng Thi và Điện Bến Thủy lên rừng núi phía tây. Các nhà máy Kinh tế 1, 2, 3 cùng trường Cán bộ kỹ thuật Trung bộ lần lượt được thành lập. Tại Nhà máy Kinh tế 3 đã xây dựng lò cao sản xuất gang đầu tiên, phục vụ kháng chiến, sau được gọi là Nhà máy Kim khí kháng chiến do Võ Quý Huân làm giám đốc kiêm “tổng công trình sư” thiết kế. Tháng 10/1947, kỹ sư Võ Quý Huân đã nghiên cứu chế tạo chiếc máy nghiền bột giấy đầu tiên của Liên khu 4. Cùng năm đó, ông chế tạo được máy tiện, máy hơi các loại lớn nhỏ, giúp khắc phục tình trạng thiếu máy móc tại các công xưởng ở Liên khu 4.

Tinh thần và hiệu quả làm việc của Võ Quý Huân được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi. Trong thư gửi bác sĩ Trần Hữu Tước ở Việt Bắc ngày 20/9/1947, Người viết: “... Nói chú biết, chú mừng. Tôi vẫn mạnh khỏe luôn. Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã gắng sức rất nhiều trong công việc kháng chiến(4).

Được sự động viên của Bác Hồ, sau một thời gian mày mò, thử nghiệm, chiều 15/11/1948, mẻ gang đầu tiên - từ quặng sắt Nghi Lộc, Nghệ An đã được nhiệt luyện, nóng chảy trong lò cao 450 lít. Dòng suối gang chảy ra trong sự reo hò của cán bộ, công nhân nhà máy cùng bà con Con Cuông, Nghệ An. Võ Quý Huân bằng trí tưởng tượng của mình và kỷ niệm thời gian sống cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp đã thiết kế xong khuôn tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba công nhân đã mày mò trong 5 ngày và cho ra bức tượng Bác Hồ để cảm ơn Người đã đưa các trí thức yêu nước từ Pháp về, xây dựng lò luyện kim ngay trên quê hương Xô viết Nghệ Tình...

Năm 1950, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, cần tăng cường cán bộ cho mặt trận nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, kỹ sư Võ Quý Huân được điều động lên Việt Bắc nhận nhiệm vụ Trưởng ban Kỹ thuật của Cục Quân giới. Sẵn có vốn tri thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế phong phú, cùng với nhiều loại tài liệu kỹ thuật mang từ Pháp về, kỹ sư Võ Quý Huân đã sát cánh cùng đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu quân giới giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn chế tạo lò điện hồ quang để nấu luyện thành công hợp kim đồng, kẽm, nhôm, gang xám. Cuối năm 1950, mẻ thép đầu tiên luyện trong lò hồ quang thí nghiệm đã thành công ở Nà Làng (Tuyên Quang). Với kết quả đã đạt được, cuối năm 1951, Cục quân giới và nhà nghiên cứu kỹ thuật quyết định sản xuất gang xám để chuyển giao công nghệ cho lò cao sản xuất gang ở Như Xuân (Thanh Hóa) và trong hai năm (1951-1953) sản xuất được gần 400 tấn gang phục vụ các xưởng quân giới sản xuất vũ khí và một số nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 1954, mỗi ngày sản xuất liên tục cho ra lò 4-5 tấn và trong gần ba năm vừa xây dựng vừa sản xuất, lò cao kháng chiến Như Xuân cung cấp gần 500 tấn gang cho các xí nghiệp quân đội.

Từ thành công này, những quả lựu đạn, trái mìn và nhiều loại vũ khí do Quân đội nhân dân Việt Nam sáng tạo được xuất xưởng đại trà bởi nhà thiết kế Trần Đại Nghìa và gang của kỹ sư Võ Quý Huân đã góp phần vào những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ 9 năm.

Trở về Hà Nội sau 9 năm kháng chiến, đầu năm 1955, kỹ sư Võ Quý Huân được giao trọng trách Hiệu trưởng Trường Kỹ nghệ thực hành (tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày nay), với nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề để phục vụ khôi phục công nghiệp sau chiến tranh. Tháng 2/1955, khóa trung cấp kỹ thuật đầu tiên được khai giảng. Dù khó khăn, nhưng bằng tâm huyết của mình, ông vừa trực tiếp giảng dạy, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng bộ giáo trình đào tạo hệ trung cấp kỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam. Các thế hệ học trò của ông: Hà Học Trạc, Hoàng Bình, Nguyễn Đình Nam, Nguyễn Hựu, Nguyễn Thái Đồng, Trần Lum, Lê Ba, Vũ Đình Hoành... đều trở thành những cán bộ chủ chốt trong ngành đúc - luyện kim và công nghiệp Việt Nam. Tháng 9/1967, do bị bệnh nặng, kỹ sư Võ Quý Huân mất khi mới 55 tuổi, để lại niềm thương tiếc cho gia đình và đồng nghiệp ngành đúc - luyện kim trong cả nước. Công lao của ông với đất nước là rất lớn và không thể không nhắc đến sự hy sinh hạnh phúc cá nhân cho dân tộc. Khi trở về nước, ông phải xa vợ và con gái. Không ngờ, cuộc chia ly ấy kéo dài hàng chục năm. Thời gian qua đi, ông xây dựng gia đình mới nhưng cũng chừng ấy năm, ông trăn trở vì còn gia đình ở Pháp. Thậm chí, Võ Quý Việt Nga - con gái đầu của ông ở Pháp từng oán trách người cha vì đã thất hứa. Phải 50 năm sau ngày chia ly, con gái Võ Quý Hòa Bình cùng cháu ngoại của ông đã đến Paris, tìm đến nhà chị Việt Nga. Cuộc trùng phùng với đầy nước mắt đã làm chị Việt Nga hiểu hơn về người cha Võ Quý Huân đã hi sinh hạnh phúc và sự nghiệp để phụng sự tổ quốc.

Bà Võ Quý Hòa Bình đã tâm sự về cha mình: “Chủ tịch Hồ Chí Minh như là tấm gương lớn để ông noi theo. Vì vậy cha tôi không bao giờ làm điều gì để phải hổ thẹn với người đã đưa ông về phụng sự đất nước. Trước giờ phút lâm chung, cha còn dặn lại các con: “Phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với nhân dân, với Bác Hồ.”(5).

Ghi nhận những đóng góp và công hiến của Kỹ sư Võ Quý Huân đối với đất nước, Nhà nước truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1999) và điều chỉnh lên hạng Nhất (năm 2011). Nhân dịp này, thành phố Hà Nội đã đặt tên con đường chạy qua Đại học Công nghiệp Hà Nội mang tên Võ Quý Huân.

Võ Quý Huân - người kỹ sư nặng tình đất nước đã suốt đời vì sự nghiệp của dân tộc, là người nghiên cứu sản xuất những mẻ thép đầu tiên phục vụ kháng chiến, chính ông đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo ngành đúc - luyện kim và công nghiệp Việt Nam. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết “Có một thế hệ vàng gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX.Võ Quý Huân cũng thuộc thế hệ vàng ấy, mà cốt lõi tạo nên giá trị còn hơn cả vàng ròng, chính là lòng yêu nước vốn có ở mọi người Việt Nam được đánh thức, cổ vũ và tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của Hồ Chí Minh”(6).

 

Chú thích:

1. Theo Người kỹ sư nặng tình đất nước, Nhân dân, ngày 14/10/2011.

2,5,6. Theo Võ Quý Huân (1912-1967), Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 19/8/2017.

3.       Theo Kỷ niệm về Bác, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2005, tr.71.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.247.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)